frphamlong frphamlong Author
Title: Thinh lặng như hơi thở
Author: frphamlong
Rating 5 of 5 Des:
Tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người ngày nay như một " con sóng thần âm thanh " tràn ngập mọi ngóc ngách. Bị chìm sâu trong ...
Tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người ngày nay như một "con sóng thần âm thanh" tràn ngập mọi ngóc ngách. Bị chìm sâu trong làn sóng từ ngữ, chao đảo theo các ngọn gió truyền thông, họ không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu, họ đã quên mất quê hương mình. Thậm chí họ cũng quên mất con đường về căn nhà lương tâm và về mảnh vườn nội tâm của lòng mình”.

Thinh lặng là một nhu cầu sống chết của con người, giống như không khí họ thở hay lương thực họ ăn. Vì điều này liên hệ chẳng những đến căn tính của họ và đến tương lai của toàn bộ đời sống xã hội.

1. Một xã hội quá nhiều tiếng ồn

Phải công nhận rằng sự tĩnh lặng càng ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội của chúng ta ngày nay. Thậm chí ở nông thôn, sự thinh lặng của người nông dân bước đi chầm chậm sau con bò đã trở thành một cảnh trong tranh từ lâu lắm rồi.

Cuộc cách mạng thông tin có thể làm nảy sinh điều tốt và điều xấu cho tương lai nhân loại. Bản tin trên radio, TV, tiếng ầm ầm của máy móc, hay âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại, tiếng ồn trong các quán ăn hay nhà hàng, những nơi gọi là giải trí với âm lượng của ban nhạc hay của loa phóng thanh vượt đến một cường độ điên đầu, và những máy thu thanh bỏ túi cứ theo bạn cho đến tận giường ngủ...

2. Hậu quả của sự ồn ào

Thiếu im lặng, con người chẳng những sống ngoài lề của chính mình, nhưng còn thu hẹp tương quan giữa người và người thành các quy ước xã hội lạnh nhạt và hời hợt. Chúng ta đã từng nhận thấy rằng ở nhiều bình diện khác nhau, sự vắng mặt của đời sống nội tâm đem lại biết bao hậu quả cá nhân và xã hội.

Khi bị tróc rễ khỏi chiều sâu của mình, sự mỏng giòn và thiếu ổn định của một con người nhất thiết sẽ tác động đến cuộc sống của vợ chồng cũng như đời sống tu trì. Trẻ em khó tập trung, thuốc an thần hay thuốc ngủ ngày càng được dùng nhiều hơn, thiếu khả năng thích nghi, dễ nổi giận, trầm uất, nghĩ ngợi lan man, tìm kiếm vô vọng để được thảnh thơi: ma túy...

Sự hụt hẫng, sự trống rỗng mà nhiều người ngày nay cảm nhận chứng tỏ rằng con người hẳn đã bỏ sót một chiều kích chủ yếu của chính mình. Làm sao mình có thể là mình khi không lên cao hay xuống sâu, không giữ thinh lặng? Một sự thinh lặng ở nhiều bình diện khác nhau: thể lý, tâm lý và tâm linh. Sự thinh lặng ấy tạo điều kiện quân bình cho đời sống và sự tăng trưởng của mình. Ai không chấp nhận thinh lặng, người ấy không những đánh mất một nghệ thuật sống, một phẩm chất của cuộc sống,  mà còn đánh mất một bộ phận cơ hữu tạo nên con người sâu xa của mình.

Kierkegaard từng nói: "Nếu tôi là bác sĩ và người ta hỏi tôi khuyên gì thì tôi sẽ trả lời: Hãy giữ thinh lặng, hãy làm cho mọi người im tiếng!" Cần chăng phải để ra một "biện pháp trị liệu bằng thinh lặng" cũng như "biện pháp trị liệu bằng giấc ngủ", thì con người ngày nay mới khám phá ra giá trị của thinh lặng?

3. Cần nghỉ ngơi, cần thinh lặng

Càng ngày con người càng cảm thấy nhu cầu cấp bách đối với sự quân bình của mình là thỉnh thoảng phải cắt đứt trận cuồng phong của đời sống hiện tại. Một viên chức trẻ nói: "Tôi bị cuốn hút quá sức mình vào trong guồng máy các nhiệm vụ xã hội. Tôi có cảm giác kỳ quặc là đang lao xuyên qua cuộc sống trên một chiếc xe lửa cao tốc, mà không có thời giờ ngắm nhìn phong cảnh, và sẽ tông mạnh vào bức tường của cái chết".

Đừng chờ đợi đến khi "gãy" rồi mới tìm ra một cách sống khác, ít ra theo định kỳ, hãy tìm một thời gian nghỉ ngơi cho thể xác và trí óc. Đấy là hình thức thứ nhất để giải độc tiếng ồn. Chúng ta nhất định phải tìm ra con đường thinh lặng. Cấp bậc thứ nhất của thinh lặng đơn thuần là đòi hỏi của tâm lý và sinh lý. 

Tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản. Đi bộ rất sớm trên bờ biển, hít thở hương thơm của đồng quê. Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng hay tiếng róc rách của dòng suối. Lắng nghe sự im lặng của núi rừng hùng vĩ, nói lên sự nhỏ bé của con người…

Đi bách bộ nơi đồng quê, chọn những con đường vắng thay vì ánh sáng các sòng bạc. Bước chầm chậm đến cạnh một con suối. Ngắm nhìn nét tế nhị của vân một lá cây, các khéo léo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào những hạt ngọc lấp lánh...

Tìm thú vui trò chuyện với một cụ già ngồi trên ngưỡng cửa. Chơi một ván ném hòn với người dân địa phương. Tìm lại những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ, cảm nếm sự cô đọng và cái bất ngờ của đời thường. Nếm lấy nét duyên dáng và tranh tối tranh sáng của một nhà nguyện. Buông thả và cùng cười với nhau...

Chìm sâu vào thinh lặng như vào một bể tắm hồi sức cho mình. Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là một giai đoạn. Thinh lặng không chỉ là vắng bóng tiếng ồn. Sự thinh lặng tâm lý phải theo sau để mở ra những cấp bậc khác của thinh lặng: Thinh lặng của lương tri, của linh hồn, hay của một "cõi lòng" biết lắng nghe Thần Khí.

4. Tiếng nhạc của thinh lặng

Các Giáo Phụ đã viết rằng: trong sự thinh lặng, con người, với cấu trúc vi mô của vũ trụ được tạo dựng, có thể nghe được tiếng nhạc du dương của toàn thể vũ trụ. Và trường phái hội họa tượng trưng truyền thống đã vẽ các phẩm thiên thần nhạc sĩ đang hòa tấu giữa đất trời, một bản nhạc khe khẽ và vĩnh cửu.

Thinh lặng là một trường giáo dục, hay đúng hơn tái giáo dục khả năng chú ý của chúng ta, để mình biết lắng nghe tiếng nhạc của công trình tạo dựng. Ngắm nhìn và lắng nghe một cái cây, một đóa hoa, một viên đá. Để cho sự vật tỏ mình trong thinh lặng. Để cho chúng "nói". Đón nhận chứ không chiếm đoạt.

Hãy lắng nghe tiếng thở than của gió, tiếng tí tách của lửa, tiếng kêu của ve sầu hay tiếng hót của chim muông, tiếng róc rách của suối, những tiếng quen thuộc trong làng hay trong nhà. Những tiếng ấy không phá vỡ im lặng mà dệt thành thinh lặng. Lắng nghe một khúc nhạc như trẻ sơ sinh nghe được lần đầu. Không suy nghĩ hay phân tích. Hãy để cho âm thanh, màu sắc của âm thanh thấm vào trong ta.

Ai không còn biết nghe tiếng nhạc của tạo vật người ấy không biết lắng nghe người khác và lại càng không biết lắng nghe tiếng Chúa. Sự thinh lặng cũng giống như một nốt lặng, giúp ta nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó. Nó chuẩn bị để giúp ta ân cần hơn với tha nhân, và làm cho những cuộc gặp gỡ của mình có chiều sâu hơn. Thinh lặng là một trường dạy lòng tôn trọng. Tôn trọng tạo vật. Tôn trọng con người...

Thinh lặng là vị thầy dạy ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, lương tri mình để biết rõ mình và định hướng cuộc đời. Lắng nghe người khác để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn. Lắng nghe Tiếng Chúa trong nội tâm ta, Thần Khí của Người, đang nói trong lòng ta để trao ban Sự Sống.


Tóm lược Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng


Bài liên quan: Thinh lặng trong Kinh Thánh

About Author

Advertisement

Đăng nhận xét

 
Top