Đây là lần thứ hai tôi ghé thăm Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hànội. Năm ngoái tôi đã được vinh dự nói chuyện với các sinh viên Ban Thần Học, và năm nay với các sinh viên Ban Triết Học tại Cổ Nhuế. Cả hai buổi nói chuyện này, nội dung nhấn mạnh đến sự trưởng thành tâm lý và tâm linh. Sự trưởng thành cần thiết để không những giúp các sinh viên sống tự tin, vui vẻ, hòa đồng với mọi người, mà còn chuẩn bị cho những bước kế tiếp trên con đường phục vụ Giáo Hội và dân Chúa một cách thánh thiện qua thiên chức linh mục.
Vì rơi vào những ngày cuối tuần nên các sinh viên phải lo công tác phục vụ tại các giáo xứ. Lại nữa, dịp này Đại Chủng Viện bận rộn tiếp đón Phái Đoàn Tòa Thánh nên Đức Cha Giám Đốc đã tỏ ra lấy làm tiếc vì không xếp được chương trình để tôi nói chuyện với các sinh viên Thần Học như năm trước. Nhằm đáp lại tấm thịnh tình đó của ngài, sau đây là một vài cảm nghĩ của tôi về lần thăm viếng và gặp gỡ này như một chia sẻ thân tình thay cho bài nói chuyện của tôi gửi tới các sinh viên Thần Học.
Thoạt nhìn người ta cứ tưởng rằng Đức Cha Giám Đốc là một con người khô khan, khép kín, bảo thủ, nghiêm nghị, và khó tính. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ mới khám phá ra rằng nơi con người ấy có những đức tính hoàn toàn trái ngược: Hiền từ, khiêm nhường, phó thác, khôn ngoan, và giầu tình cảm. Những đức tính ấy, cộng với lòng yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Giáo Hội và các linh hồn đã đúc kết nên một vị giám mục mà tôi đã thân mật gọi ngài, “Đức Giám Mục không biết sốt ruột”!
Cụm từ “không biết sốt ruột” ở đây tôi dùng theo một nghĩa tích cực và trang trọng. Mục đích nói lên rằng con người tự nhiên của ngài với những đức tính nổi bật cũng như những khuyết điểm tự nhiên đã được ngài luyện tập, gọt dũa đến thuần thục. Kết quả của sự hòa nhập uyển chuyển này là một tâm hồn thanh thản, một cái nhìn thông thoáng, nhẹ nhàng đối với mọi việc, mọi vấn đề dù to hay nhỏ, dù quan trọng hay không quan trọng thường ngày vẫn xảy ra chung quanh cuộc sống. Vui cũng như buồn, hạnh phúc cũng như đau khổ, thử thách không làm bận tâm, lo lắng, và sợ hãi. Nhờ không biết sốt ruột, ngài đã trở nên một mô phạm cũng như may mắn cho các chủng sinh được sống và được hưởng sự giáo huấn của ngài.
Dù không muốn đụng chạm đến sự khiêm nhường của ngài, nhưng qua những câu chuyện trao đổi, tôi thật cảm động khi biết ngài đã chắt chiu từng đồng, từng xu lo tìm kiếm, chạy vạy để đem lại cho các chủng sinh miếng cơm, manh áo, đôi giày… Nơi chốn và hoàn cảnh học tập của Đại Chủng Viện hiện nay tuy không thoải mái, tiện nghi nhưng cũng không quá thiếu thốn, nghèo nàn. Và nếu so sánh với mức sống, sinh hoạt của phần lớn các tín hữu cũng như dân chúng thì đời sống và hoàn cảnh ấy vẫn được coi là thích hợp.
Chu toàn vai trò Giám Đốc Đại Chủng Viện, và trách nhiệm của một Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hànội với một tinh thần “không sốt ruột”. Ngài luôn tỏ ra bình tĩnh, ân cần và có giờ cho những người mà ngài cần gặp gỡ, tiếp xúc bằng thái độ ung dung, tự tại. Tôi cho đây là nhân đức, vì trong sự phát triển mức độ trưởng thành cả về tâm lý lẫn tâm linh, đôi khi con người vẫn bị lấn cấn, lên xuống từ bình thường đến nhân đức rồi lại từ nhân đức giảm xuống còn bình thường, điều mà rất dễ nhận xét qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt của một người. Thí dụ, bẳn gắt, nóng nảy, hấp tấp, khắt khe, bắt bẻ người này, người khác. Theo tôi, những điểm tiêu cực ấy không thấy có nơi ngài.
Qua những nét tâm lý bộc lộ bằng hành động, ngài là một người giầu tình cảm, dễ xót thương, và gần gũi với những đau thương tinh thần cũng như thể xác của người khác. Như Thầy Chí Thánh ôm vác con chiên thương tật trên vai, ngài cũng biểu tỏ tâm tình ấy trong việc lo lắng, hiểu thấu, và săn sóc cho từng sinh viên trong Đại Chủng Viện. Ngài tỏ ra rất thông cảm và hiểu biết từng người với những ưu và khuyết điểm cũng như cá tính dị biệt.
Không những dễ dàng xót thương, và cảm nhận cách tinh tế trong cảm tình đối với người khác, ngài còn là một người giầu nội tâm, biết lắng nghe và đón nhận thánh ý Chúa cách bén nhạy như Maria đã âu yếm ngồi dưới chân Chúa để nghe và chia sẻ những suy tư của Ngài. Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra nội tâm sâu xa này trong cử chỉ nhẹ nhàng, bình tĩnh, khoan thai, nhưng cũng rất tế nhị và trong giao tế xã hội khi ngài gặp gỡ, tiếp xúc với người này, người khác.
Và điểm sau cùng là tính chất sâu lắng, chín chắn, kiên trì trong các quyết định và hành động. Ngài làm việc sau khi đã nghe ngóng, đón nhận ý kiến của người khác. Đem tất cả những dữ kiện ấy đặt dưới chân Chúa, trình bày và tìm hiểu ý Ngài. Và sau khi đã nhận ra Chúa muốn ngài làm gì, thì đây là lúc ngài bền bỉ và can đảm trong hành động.
Tóm lại, với tất cả những yếu tố thuộc về cá tính như trên, ngài đúng là một người hài hòa được những nhu cầu tâm linh và vật chất. Can đảm và chín chắn với quyết định. Tế nhị và hòa đồng với mọi người. Và như trên tôi vừa trình bày, ngài đã lột tả mình qua mẫu người mà theo tâm lý học gọi là Thụ Cảm. Một con người rất giầu tình cảm. Dễ xót thương. Ưa thích thiên nhiên. Sống nhiều về quá khứ. Và cũng rất lãng mạn. Sự thân mật là đức tính nổi bật, cũng như dễ mủi lòng đã trở nên khuyết điểm của ngài vì lòng quá xót thương. Ở một điểm khác, nó đã cho ngài biệt hiệu “Giám mục không biết sốt ruột”!
Nhưng tại sao tôi lại muốn chia sẻ cảm nghĩ của tôi về điều này với các sinh viên Thần Học? Thật ra, dù tâm lý gì đi nữa, dù triết học gì đi nữa, và dù phân tách cá tính, quan điểm con người theo trường phái nào đi nữa, điều cần thiết nhất là phải tự ý thức về mình, tự muốn sửa mình, và tự muốn thăng hoa đời mình. Ở đây yếu tố thời gian đã chứng minh những cá tính của Đức Cha Giám Đốc với hơn 40 nhẫn nại cho thiên chức linh mục từ một chủng sinh đến chàng hớt tóc dạo, và bây giờ giữa những tế nhị, phức tạp trong nhiệm vụ Giám Đốc Đại Chủng Viện cũng như Giám Mục Phụ Tá cho Tổng Giáo Phận Hànội. Học, suy ngắm, và sống được như vậy cũng chính là học và sống cho cuộc đời thánh hiến, cho ơn gọi dấn thân vô điều kiện cho Chúa và cho các linh hồn. Và đây là những gì các sinh viên Thần Học không cần phải đi tìm đâu xa, nhưng đang có trước mặt.
Thật vậy, rất may cho các sinh viên nào mà tính tình nóng nảy, hành động bất nhất, ưa tìm kiếm cái tôi và danh vọng mà quên đi mục đích ơn gọi. Quên đi rằng mình đang trong thời gian tu học. Đối với các sinh viên này, cái không biết sốt ruột của Đức Cha Giám Đốc sẽ tạo điều kiện cho sự quay trở về, cho hành động sửa sai, và cho những cơ hội tốt để hoàn chỉnh cuộc sống và ơn gọi. Họ hãy học ở vị Giám Đốc của mình cái tính nhẫn nại, lòng phó thác và sự khiêm tốn. Và hãy nắm bắt lấy cơ hội để tự sửa sai và thăng tiến.
Riêng đối với những sinh viên chăm chỉ và tìm cầu học hỏi, việc ngài không biết sốt ruột kia chính là cơ hội tốt để họ tự cảm thấy tin tưởng, bình an và có thêm thời gian chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống ơn gọi, cho thánh chức và đời sống linh mục. Họ cũng cần học hỏi ở nơi vị Giám Đốc của mình để biết sống và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và tin tưởng hơn vào tình yêu thương của Đức Cha Giám Đốc. Sống hiền hòa. Sống tinh tế. Sống dễ dãi với mọi người.
Tóm lại, có được một vị thầy, một người cha như vậy là điều hết sức hạnh phúc. Là một hồng ân lớn lao. Ai cũng biết rằng, đời sống ơn gọi, đời sống linh mục là một ân huệ nhưng cũng là một thử thách lớn lao. Không ai có thể hoàn tất ơn gọi và đời sống này một cách tốt đẹp, thánh thiện mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng trường đời cũng như trường lớp “không thầy đố mày làm nên”. Và chính vì thế, có được vị tôn sư như vậy, không nên bỏ qua.
Bản thân tôi, qua những buổi tâm sự chia sẻ với Đức Cha Giám Đốc, tôi cũng đã học được nhiều ở nơi ngài. Tôi học những điều mà sách vở không dạy. Tôi học không phải bằng kinh điển trường lớp mà bằng kinh nghiệm của một vị thầy đáng kính.
Mọi đóng góp và giúp đỡ Đại Chủng Viện, xin liên lạc trực tiếp với:
Đức Cha Chu Văn Minh
Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hànội
40 Nhà Chung, Hoàn Kiếm
Hànội - Việt Nam
Dt: 043-828-9853
Đăng nhận xét