fr pham long fr pham long Author
Title: Chúa nhật Lễ Lá 2012: Cầu nguyện xin ơn biết tha thứ
Author: fr pham long
Rating 5 of 5 Des:
Cách đây 2 tuần tôi có đi xem buổi suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su tại hội trường dòng Chúa Cứu Thế do các bạn trẻ nhóm kịch Rapbon...
Cách đây 2 tuần tôi có đi xem buổi suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su tại hội trường dòng Chúa Cứu Thế do các bạn trẻ nhóm kịch Rapboni diễn theo cuốn “Phúc Âm Thứ Năm”. Người ta lập luận rằng không chỉ nên đọc Phúc Âm bằng mắt, bằng miệng, mà còn phải đọc bằng cả tâm hồn. Khi ấy, kịch bản sẽ không còn là kịch bản, sân khấu sẽ chính là cuộc đời, diễn viên hóa thân thành nhân vật Tân Ước để hòa nhập với khán giả và nội dung thì không gì khác hơn Lời Chúa hôm nay.

Trong buổi suy niệm người dẫn đặt ra câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giê-su? Rồi lần lượt từng người đóng các vai Gioan, Phero, Philato, Giuda Iscario, Maria Madalena và một đại diện dân chúng, là những người có liên quan đến vụ án Đức Giê-su, bước lên sân khấu trả lời câu hỏi đó và nói lên sự liên lụy của mình.

Tôi thấy còn thiếu một đại diện của các thượng tế hay luật sĩ và biệt phái, vì họ là người chịu trách nhiệm lớn về cái chết của Chúa. Khi xem vở kịch đó xong thì tôi lại nảy sinh câu hỏi khác: Tại sao các thượng tế lại quyết tâm giết Đức Giê-su? Và lúc này đây cũng vậy, khi đọc Tin mừng về cuộc thương khó của Chúa thì trong tôi vẫn bị ám ảnh câu hỏi này: Tại sao các thượng tế lại quyết tâm giết Đức Giê-su?

Tôi cứ nghĩ mãi về câu trả lời cho riêng mình: đó là do lòng ghen ghét mà người Do-thái giết Chúa Giê-su. Và hôm nay một chi tiết trong bài Tin mừng cho tôi một gợi ý nơi đoạn nói về Philato răng: “Ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người.”

Chúa Giê-su chịu khổ nạn vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, như kinh Tin Kính đã xác định. Tuy nhiên lý do trực tiếp gây ra cái chết của Chúa Giê-su là bởi lòng ghen ghét đố kị của con người.

Lòng ghen ghét hận thù gây ra biết bao thảm kịch trong lịch sử loài người. Trong buổi chiều hôm nay, tôi xin gợi ý với các bạn về cách cầu nguyện để xin ơn biết tha thứ, vứt bỏ sự oán hận trong lòng.

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự tha thứ khi cầu nguyện: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11,25).

Đây là một luật căn bản của mọi lời cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nhiều lần lưu ý chúng ta: Nếu các ngươi không tha thứ cho người ta, các ngươi sẽ không được tha thứ; và các ngươi sẽ không thể nào kết hợp được với Thiên Chúa. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Nhiều người cầu nguyện không hiệu quả bởi vì họ nuôi oán hận trong lòng mình. Nhiều lần tôi phải kinh ngạc vì gánh nặng oán hận mà người ta mang theo trong cuộc đời. Họ oán hận bề trên, oán hận vợ, con, cha mẹ, bạn bè láng giềng. Họ đã không lường trước được các thiệt hại do oán hận gây ra cho đời sống cầu nguyện, và trong nhiều trường hợp cả về sức khỏe nữa.

Bao nhiêu cảm xúc cay đắng, giận hờn và ghen ghét đã đầu độc lục phủ ngủ tạng khiến chúng ta phải quằn quại.Thế mà thật lạ kỳ, người ta cứ bám riết chúng.

Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilon. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.

Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa. Đây thật là một ẩn dụ sinh động về cái giá mà chúng ta phải trả cho việc khư khư ôm lấy giận hờn trong lòng. Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ nhưng bạn thấy đấy, rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.

Đôi khi người ta thấy việc cho đi bất kì sản vật nào, dù quí báu mấy, còn dễ dàng hơn là bỏ qua một mối giận hờn đối với ai đó. Người ta cương quyết không tha thứ! Chúa Giêsu dạy rõ ràng về điểm này: Nếu anh em không chịu tha thứ cho người ta, Cha trên trời cũng không tha thứ cho anh em.

(Hai anh chị con cùng một cha bố, nhưng lại ghét nhau, đến mức chị đó nói rằng: Nếu lên thiên đàng mà gặp thấy anh này thì tôi sẽ đi chỗ khác)

Vì thế ngay bây giờ, anh chị em hãy loại bỏ hết những mối oán giận trong lòng. Nếu không việc cầu nguyện của chúng ta sẽ bị tổn thiệt. Nếu cần, đừng ngại tốn thời giờ, tù phải tốn nhiều ngày ròng rã chỉ dành cho một chuyện đó mà thôi.

Hãy lập danh sách gồm những người chúng ta ghét, ác cảm, khó ưa hay khó tha thứ. Giận ghét là cảm xúc thường xuyên bị người tu hành trấn áp, chỉ sau cảm xúc nhục dục. Đôi khi ta gặp một vài tu sĩ nói rằng mình không ghét ai hết và yêu thương mọi người, nhưng qua cách nói năng và hành động, họ để lộ ra những oán hờn cay đắng đối với người này, người kia. Một cách đơn giản để lột mặt nạ những cảm xúc bị trấn áp kia, chúng ta hãy lập danh sách những người khó ưa hay người ta có thành kiến, cuối cùng là những người ghét chúng ta. Danh sách này có thể tiết lộ một số điều đáng ngạc nhiên, chứng minh rằng chúng ta vẫn đang nuôi trong lòng một số ác cảm hay giận hờn nào đó.

Loại trừ sự giận hờn

Sẽ làm gì với danh sách kia? Không đòi hỏi chúng ta phải tha thứ ngay lập tức. Điều đó chỉ đưa đến chỗ đè nén những cảm xúc oán hờn mà thôi. Khi giải quyết những mối căm hờn, việc bộc lộ cảm xúc oán hận là điều lý tưởng, rất ích lợi. Bộc lộ oán hận là chúng ta trực tiếp đến trao đổi vấn đề với đối tượng và thể hiện thái độ căm giận của chúng ta cho họ biết một cách thẳng thắn. Nhưng không may, điều lý tưởng này không phải lúc nào cũng có thể làm được, hoặc vì đối tượng kia ở xa, hoặc nếu gần thì họ có thể không đáp ứng thái độ của chúng ta một cách xây dựng.

Có một nữ tu nọ cảm thấy không thể nào tha thứ cho một chị trong cộng đoàn. Suốt nhiều tháng, chị cầu xin ơn để tha thứ, nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, theo sự hướng dẫn của cha linh hướng, chị trực tiếp đến gặp đối tượng kia, với sự hiện diện của một người thứ ba giữ vai trò trung gian thật khéo léo; và sự tha thứ đã đến một cách dễ dàng đến độ chị cảm thấy không còn gì để tha thứ nữa. Một nữ tu khác đã lâm vào cảnh hết sức đau khổ và khó xử vì bị một chị khác dưới quyền vu khống. Cảm xúc oán hận cứ sôi sục trong lòng suốt nhiều tháng trời khiến chị không thể nào cầu nguyện được. Cha linh hướng đề nghị chị gặp người kia trong trí tưởng tượng. Chị tha hồ bộc lộ cảm xúc bị tổn thương và giận giữ của mình bằng cách đập mạnh vào chiếc gối. Sau đó, người nữ tu đã có thể tha thứ cho chị em mình. (Các chị nếu có giận ai thì đập gối cũng được, chớ có ra đập phá hoa lá ngoài vườn).

Cầu nguyện như một phương thế hữu hiệu giúp thực hiện việc tha thứ. Tuy nhiên các lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng có thể thay thế được những cảm xúc hằn sâu trong lòng mà chúng ta cần phải loại bỏ ra khỏi con người của chúng ta.

Cách tha thứ bằng cầu nguyện

Sau đây là một số phương thế hiệu quả để xin ơn tha thứ và loại trừ oán hận:

1/ Hãy cầu nguyện cho lợi ích của đối tượng. Đây là điều Chúa Giêsu đã nhắc đến trong bài giảng Bát phúc. Khi cầu nguyện cho người ấy, thái độ chúng ta sẽ thay đổi lạ lùng: bắt đầu là quan tâm, tích cực liên đới, thậm chí còn yêu thương họ. Và một khi đã yêu thương rồi, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ.

2/ Hãy nhìn nhận những bất công xảy đến cho chúng ta đều do Thiên Chúa an bài và đều hướng theo một mục đích mầu nhiệm. Nói rằng Thiên Chúa ‘cho phép xảy ra’ là chưa đủ. Người không chỉ ‘cho phép’ mà còn đặt kế hoạch và điều khiển mọ sự. Cuộc tử nạn của Đức Kitô, một thảm kịch vô cùng bất của nhân loại, đâu phải chỉ được Cha trên trời cho phép xảy ra mà thôi. Chính Thiên Chúa đã tích cực an bài, đã muốn và đã tiền định điều đó.

Nếu chúng ta cũng biết nhìn nhận tử nạn trong cuộc sống mình – tức là những bất công xảy đến, thực sự hay do tưởng tượng – như Chúa Giêsu đã nhìn nhận cuộc tử nạn của Nngf là do thánh ý và chương trình của Chúa Cha đã an bài tiền định, chúng ta sẽ không còn đeo đẵng vào những nguyên nhân đệ nhị là những con người đã làm chúng ta đau khổ và tổn thương nữa. Chúng ta sẽ nhìn vượt qua những con người ấy để thấy được Cha trên trời là Đấng nắm giữ các nguyên nhân tác động đến mọi biến cố trong cuộc sống và là Đấng tiền định mọi đau khổ để đem lại thiện ích cho chúng ta và thế giới. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng tha thứ cho những người bách hại và những kẻ thù nghịch.

Tuy nhiên, điều này lại có thể đưa đẩy chúng ta vào một khó khăn mới: trút nỗi oán hận vào Thiên Chúa mỗi khi tai họa xảy đến! Mặc dù đức tin và trí hiểu cho họ biết rằng Thiên Chúa tiền định tất cả những điều đó chỉ vì lợi ích của họ, nhưng trái tim và tình cảm không thể không chống lại Thiên Chúa là tác nhân tiền định những điều tai họa trong khi Người vẫn có thế cản trở. Khi cảm xúc giận Thiên Chúa nổi lên, chúng ta cứ để cho nó bộc lộ ra trước sự hiện diện của Người. Tôi biết mình trọn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa đến độ tôi dám bộc lộ thái độ tức tối với Người, cũng giống như với ban thân của tôi. Tôi không ngại bộc lộ trước mặt họ những cảm xúc tiêu cực, vì tôi tin chắc họ hiểu tôi và mến tôi; và kết quả là sau vụ ‘đụng độ’ ấy, tình thân giữa chúng tôi càng khắng khít hơn.

Một nhân vật thánh thiện như ông Job đã từng trút nỗi bực tức lên Thiên Chúa. Điều đó là một biểu hiện tình thân giữa ông đối với Người. Thật kỳ diệu là cuối cùng Thiên Chúa đã khen ngợi và đề cao ông Job, trong khi Người quở trách bạn bè của ông. Sau khi chúng ta bộc lộ hết những cảm xúc tiêu cực đối với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ dần dần vơi đi. Tình yêu của chúng ta sẽ trỗi dậy và sẽ vui mừng thấy rằng cuộc ‘đụng độ’ với Thiên Chúa không những làm hại mà còn củng cố mối tương giao giữa chúng ta với Người.

3/ Điều thứ ba chúng ta hãy làm để loại trừ nỗi cay đắng và bực tức: là hãy đến trước Đức Kitô tử nạn và nhìn thẳng vào Người trên thập vì bất công. Chỉ một lúc sau, chúng ta sẽ tự cảm thấy xấu hổ và ngượng ngập vì chúng ta làm to chuyện những bất công cỏn con. Không xấu hổ sao được khi vẫn xưng mình là môn đệ Đức Kitô? Không ngượng ngùng sao được vì biết rằng theo Chúa là chấp nhận dấn thân như Người tức là vác thập giá mỗi ngày?

Một số người đã áp dụng phương pháp trên đây đã cảm thấy hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu đau khổ như Thầy chí thánh. Thật tuyệt vời nếu chúng ta cũng đạt đến trình độ như họ.

Để kết thúc tôi xin kể câu chuyện này:

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:  Có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó thay vì bố thí, người giàu có đã lấy đá ném vào người hành khất.
Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi."
Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì tham nhũng, ngươì giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.
Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao năm qua?  Con người này, giờ đây chi là một kẻ khốn khổ như ta.

About Author

Advertisement

Đăng nhận xét

 
Top