frphamlong frphamlong Author
Title: Nhiệt thành với thập giá - Lm Nguyễn Ngọc Tĩnh
Author: frphamlong
Rating 5 of 5 Des:
VRNs   (01.04.2012)   – Trong dịp lễ Lá năm nay, WHD đã đăng tải bài viết của đức giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá TGP Sài Gòn mang t...
VRNs (01.04.2012) – Trong dịp lễ Lá năm nay, WHD đã đăng tải bài viết của đức giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá TGP Sài Gòn mang tựa đề “Nhiệt thành của thập giá”. Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, O.F.M chia sẻ khi đọc bài này rằng “Nội dung bài viết tự nó không có gì gây ngạc nhiên hay tranh cãi. Nhưng khi thấy bài viết xuất hiện vào thời điểm này, sau những biến cố xảy ra tại Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, v.v… người đọc không thể không đặt câu hỏi: bài viết đó có đơn thuần là một bài suy niệm về cuộc thương khó Chúa Giê-su hay tác giả còn muốn gửi một thông điệp đến những tín hữu loại “nhiệt thành” “bị cám dỗ sử dụng bạo lực” hay “nếu chưa phải là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực” ?”

Để có cái nhìn phong phú hơn, VRNs xin đăng tải bài viết của cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh sau đây.

Diễn đàn Nữ Vương Công Lý ngày 29-03-2012 đã phổ biến bài viết mang tựa đề Nhiệt thành của thập giá của đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá Sài Gòn. Bài này được lấy từ trang mạng WHĐ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Thời điểm của bài viết được ghi là “Lễ Lá 2012”. Trước ngưỡng cửa Tuần Thánh, bài này đích thực là một món ăn tinh thần bổ ích cho ai muốn đi vào mầu nhiệm thương khó để nhận ra con đường đau khổ, con đường thập giá Đức Giê-su Ki-tô đã đi khi hoàn tất công trình cứu độ, và từ đó cho thấy người Ki-tô hữu muốn góp phần vào công trình cứu độ phải theo con đường nào.

Nội dung bài viết tự nó không có gì gây ngạc nhiên hay tranh cãi. Nhưng khi thấy bài viết xuất hiện vào thời điểm này, sau những biến cố xảy ra tại Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, v.v… người đọc không thể không đặt câu hỏi: bài viết đó có đơn thuần là một bài suy niệm về cuộc thương khó Chúa Giê-su hay tác giả còn muốn gửi một thông điệp đến những tín hữu loại “nhiệt thành” “bị cám dỗ sử dụng bạo lực” hay “nếu chưa phải là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực”?

Nhớ câu chuyện Đồng Chiêm

Sau khi đọc tựa đề của bài viết, tôi liên tưởng ngay đến vụ Đồng Chiêm đầu năm 2010, nơi đây, cây thập giá, biểu tượng thiêng liêng của Ki-tô giáo đã bị xúc phạm nặng nề, cuối cùng bị triệt hạ. Bấy giờ khắp nơi ở trong cũng như ngoài nước, người Ki-tô hữu vừa đau đớn, vừa phẫn nộ. Thế nhưng tại Việt Nam, trong hàng giám mục, chỉ có các vị thuộc giáo tỉnh miền Bắc với một vị duy nhất của giáo tỉnh miền Trung đã công khai hiệp thông với Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh miền Bắc, Giu-se Ngô Quang Kiệt. Còn tất cả các vị khác đều lặng thinh, coi như không phải việc của mình. Riêng đức cha Khảm, người đứng đầu trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì phải mất một tuần lễ sau mới đặt câu hỏi phải “lên tiếng hay không lên tiếng?” để đi đến câu trả lời đại khái đây chỉ là chuyện đòi đất của một địa phương, và nguyên tắc áp dụng để giải quyết vấn đề là chuyện địa phương nào, địa phương đó lo. Có thể đến thời điểm này đức cha Khảm thấy cần phải tỏ ra nhiệt thành hơn đối với thập giá?

Ý nghĩa thông điệp Đoàn Văn Vươn

Khi thấy đức cha Khảm đề cập đến “cám dỗ sử dụng bạo lực”, tôi chợt nghĩ đến một tín hữu Công Giáo thuộc giáo phận Hải Phòng, đó là anh Phê-rô Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã sử dụng mấy quả mìn tự tạo với khẩu súng hoa cải hoa cà gì đó chỉ đủ sức làm trầy da chảy máu nếu chỉ bắn từ xa. Với bấy nhiêu vũ khí trong tay, anh kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn đủ thông minh để biết mình không có khả năng lật đổ chế độ, mà chỉ muốn gửi đi một thông điệp: chính sách bất công tàn ác đã quá sức chịu đựng của người dân, giờ đây Đoàn Văn Vươn chẳng còn gì để mất, nên đã cố tình làm một chuyện cực đoan nhằm lôi kéo sự chú ý của công luận. Vậy thôi.

Ai đang chủ trương bạo lực?

Ngoài câu chuyện Đoàn Văn Vươn như vừa kể, trong những năm qua tuyệt nhiên không có một cá nhân hay tổ chức nào trong hay ngoài Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam “sử dụng bạo lực để gọi là phục vụ Nước Chúa” theo cách nói của đức cha Khảm. Thế thì đối tượng được nhắm tới là ai? Ta chỉ có thể đưa ra một giả thuyết. Đó là các buổi cầu nguyện cho công lý và hoà bình nhân các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu, v.v… do Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô Quang Kiệt khởi xướng với sự hỗ trợ đắc lực của các linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Điều hiển nhiên là không ai trong các vị này đã chủ trương bạo lực. Và lời kinh được cất lên trong các buổi cầu nguyện này được coi là của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di bắt đầu như sau: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”. Tìm đâu ra dấu vết của bạo lực? Không những thế, chính vì quyết tâm và cố gắng không ngưng nghỉ của tập thể Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đấu tranh bất bạo động cho công lý và hoà bình mà nhà dòng Thái Hà đã hơn một lần phải đương đầu với bạo lực từ những tên côn đồ mang nhãn hiệu “quần chúng tự phát”.

Bạo lực bằng lời nói

Đối tượng tiếp theo của tác giả là những người sử dụng “bạo lực bằng lời nói”. Ở đây cũng vậy, vì tác giả không nêu tên những người được chiếu cố, nên ta không thể làm gì hơn là đưa ra một giả thuyết. Có thể tác giả nhắm đến một số bài viết. Ở trong nước, nếu có ai kêu gọi “dùng bạo lực để phục vụ Nước Chúa” hay lật đổ chế độ thì đã bay đầu từ khuya rồi. Còn những người “bằng lời nói” hay bài viết, chủ trương bất bạo động, mạnh mẽ đòi hỏi nhân quyền, tranh đấu cho tự do, dân chủ, công khai bày tỏ lòng yêu nước, do đó chống giặc Tàu xâm lăng và chống bất cứ ai làm tay sai cho giặc, thử hỏi họ có tội gì? Ấy vậy mà trong số họ, có những người đã phải chịu bao nhiêu oan trái, bao nhiêu phiền muộn, bao nhiêu đau khổ trong thân xác và trong tinh thần, thậm chí bị giam cầm, tù tội, tra tấn dã man. Thế thì không có lý do gì để kết án họ là những người “sử dụng bạo lực bằng lời nói”, ngược lại những lời nói hay bài viết của họ cho thấy họ đích thực là những người đang vác thập giá để góp phần vào công trình cứu độ của Chúa Giê-su.

Không dùng bạo lực, nhưng phải dấn thân

Trong một bài viết không dài lắm, đức cha Khảm đã 3 lần trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI để khẳng định người Ki-tô hữu không thể nhân danh Thiên Chúa để làm cách mạng bằng bao lực. Đây không phải là chuyện khó chứng minh. Thế nhưng cũng chính Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI trong chuyến viếng thăm Mê-hi-cô và Cu-ba vừa rồi đã nói: “Tôi cũng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ cho các nhu cầu của những người đau khổ, những người bị tước đoạt tự do, những người bị tách khỏi người thân yêu của họ hay những người đang phải trải qua những thời khắc khó khăn”. Các buổi cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Việt Nam trong ba năm qua cũng không ngoài mục tiêu đó.

Tại quảng trường Cách mạng La Ha-va-na ngày 28-03-2012 Đức Giáo Hoàng đã nói: “Người tín hữu được mời gọi đưa sự thật đến với những người đương thời với mình, như Chúa Ki-tô đã làm, ngay cả trước bóng đen chập chờn của khước từ và Thánh Giá”. Điều này đúng cho các tín hữu sống tại Cu-ba, Việt Nam hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới.

Có phải là một sự tình cờ?

Chẳng biết có phải là một sự tình cờ hay không, nhưng cũng trên diễn đàn Nữ Vương Công Lý, sau khi đăng tải bài viết của đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm ngày 29-03-2012 thì cùng ngày lại đăng tải lá thư của đức cha Phê-rô NguyễnThanh Chung, nguyên giám mục Kon-tum, gửi đức cha Châu Ngọc Tri, giám mục Đà Nẵng về vụ Cồn Dầu. Xin trích đoạn sau đây: “Trong vấn đề tranh chấp như thế này (tại Cồn Dầu), người môn đệ khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ không đứng về phía nào cả mà chỉ đứng về phía lẽ phải. Lẽ phải ở đây là giải toả không cần thiết, mà nếu cần thì phải đền bù thật công bằng, chứ không phải bằng dùi cui, bằng súng đạn, với cái lý của kẻ mạnh… Ai hậu thuẫn, người đó phạm tội đồng loã, tham gia vào việc giết người cướp của dân nghèo.” Chẳng biết với những lời lẽ như thế này, đức cha Nguyễn Thanh Chung có bị kết án là sử dụng bạo lực bằng lời nói hay không.

Đến đây, xin mượn lời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong cuộc trao đổi với nhà báo Peter Seewald trước khi trở thành Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI, nội dung cuộc trao đổi đã được dịch và in thành tập sách mang tựa đề “Muối cho đời”: Ngày nay người ta nói nhiều về vai trò ngôn sứ của Giáo Hội. Từ ngữ đó đôi lúc bị lạm dụng. Nhưng đúng là Giáo Hội không bao giờ được phép chạy theo thời cuộc. Giáo Hội phải nói lên cái xấu và cái nguy hiểm của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, kể cả những người trí thức, và cả những kẻ thờ ơ hẹp hòi trước những nỗi thống khổ của thời đại. Là Giám mục, tôi thấy có trách nhiệm phải làm chuyện đó. Lại nữa tình trạng suy đồi quá hiển nhiên: Đức tin mệt mỏi, ơn gọi tu trì sút giảm, luân lý đạo đức xuống cấp ngay cả trong giới giáo sĩ, tình trạng bạo lực ngày càng tăng v.v. Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các Giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một Giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột.” (trang 82).

Kết luận

Báo Tuổi Trẻ ngày thứ Tư 28-03-2012 có đăng bài “Điều khiển chiến hạm trên… cạn” cho thấy các sĩ quan hải quân tương lai của Việt Nam đang thực tập không phải trên một chiến hạm tân kỳ nhưng là trên… cạn. Không biết mấy anh “tàu lạ” đã từng làm ngư dân Việt Nam điêu đứng mà đọc thông tin này sẽ kinh hồn bạt vía hay sẽ chết vì cười vỡ bụng. Nếu không vác thánh giá theo kiểu anh chị em Thái Hà, Đồng Chiêm hay Cồn Dầu, nếu không chấp nhận hiểm nguy khi mạnh mẽ lên tiếng vạch trần những gian ác, bất công, thối nát, tham nhũng hay thái độ bạc nhược, ươn hèn ẩn giấu sau những mỹ từ “đối thoại” hay “hợp tác”, chẳng lẽ chúng ta được khuyến khích chỉ vác thánh giá… qua mạng?

Sài Gòn, lễ Lá 2012
ngày 01 tháng 04 năm 2012
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
pascaltinh@gmail.com

About Author

Advertisement

Đăng nhận xét

 
Top