fr pham long fr pham long Author
Title: Chúa nhật I mùa Chay: Đừng chết vì những lời đường mật!
Author: fr pham long
Rating 5 of 5 Des:
Lm JB Phạm Quang Long Cứ đến tuần I mùa Chay, chúng ta lại đọc câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Tin mừng thánh Marco hôm nay chỉ nói vắn ...
Lm JB Phạm Quang Long

Cứ đến tuần I mùa Chay, chúng ta lại đọc câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Tin mừng thánh Marco hôm nay chỉ nói vắn gọn: “Người ở trong sa mạc 40 ngày, chịu satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên thần hầu hạ người”.


“Người ở trong sa mạc 40 ngày, chịu satan cám dỗ”. Câu ngắn ngủi này gợi nhớ về biến cố xuất hành. Khi ra khỏi Ai Cập, dân Do Thái đi trong hoang địa Sinai 40 năm, ở đó họ đã gặp những thử thách cam go về lòng trung thành với Thiên Chúa (x. Xh 16,1-4; 17,1-17; Đnl 8,2).

Chi tiết “Người sống giữa loài dã thú” làm ứng nghiệm lời tiên báo của Isaia về thời đại Messia: “Sói sống chung với chiên, beo nằm bên dê nhỏ, sư tử với bê ở chung một chuồng, và một đứa trẻ dẫn chúng đi ăn” (11,6). Điều này làm sống lại hình ảnh tốt đẹp thuở ban đầu ở vườn địa đàng, nơi đó con người và sinh vật sống hài hòa với nhau (x. St 2,18-20).

Còn chi tiết “các thiên sứ hầu hạ Người” muốn nói đến việc Thiên Chúa hiện diện và cứu giúp.

Như vậy, Đức Giêsu gặp lại những cám dỗ mà Israel xưa kia đã phải chịu trong hoang địa Sinai, nơi mà Israel đã thất trung với Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu, như một Môsê mới, đã trọn vẹn trung thành. Đức Giêsu hoàn tất cuộc Xuất hành mới và lập thành dân mới của Thiên Chúa.

Đó là ý nghĩa của đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe.

Đoạn Tin mừng gợi ý cho chúng ta suy niệm về Đức Giê-su với tư cách là một con người. Đức Giê-su giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi: Ngài cũng bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Ngài không nghe theo chước cám dỗ.

Tôi nhớ đến bộ phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô” ( The last temptation of Christ). Bộ phim, được sản xuất năm 1989, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hy lạp Nikos Kazantzakis, vốn đã làm xôn xao dư luận một thời. 

Phần cuối của bộ phim kể rằng: Trong giờ phút hấp hối, Giêsu bị ngất đi. Trong cơn hôn mê, chàng thấy mình xuống khỏi thập giá, tìm Mađalêna và cưới nàng làm vợ. Sau đó chàng còn tìm hai cô gái khác là Matta và Maria, và cũng cưới luôn hai người này. Chàng có rất nhiều con và sống hạnh phúc… Cuối cùng, Giêsu tỉnh dậy, lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ, hô to một tiếng: "Mọi sự đã hoàn tất", rồi tắt thở.

Đoạn phim này không có thật, chỉ là hư cấu của nhà văn. Chú tâm vào khía cạnh con người của Đức Giêsu, ông đã tưởng tượng những cơn cám dỗ và những cuộc chiến đấu vô cùng cam go mà con người Giêsu phải đương đầu. Mục đích là để thấy rõ hơn nơi Đức Giêsu chính là mẫu mực cho con người. Tác giả thổ lộ: "Trong khi viết tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy."

Nói về nhân tính của Đức Giê-su cũng là một cách đề cập đến những vấn đề của con người. Là Kito hữu, chúng ta được mời gọi sống đạo lý cao siêu trong thân phận phàm nhân yếu đuối, điều mà thánh Phaolo mô tả như là những đồ quý được chứa đựng trong các “bình sành dễ vỡ”. “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,15).

Là Kito hữu, chúng ta được mời gọi sống bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, v,v; trong khí đó xác thịt yếu đuối lôi kéo chúng ta nghiêng chiều về những điều ngược lại: thù hận, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, dâm ô, phóng đãng … và những thứ giống như thế (x. Gl 5,21-22).

Ai trong chúng ta mà không phải thường xuyên đương đầu với những cám dỗ triền miên trong cuộc đời là Kito hữu? Những lúc như thế, hãy nhớ rằng Đức Giê-su đã từng chịu cám dỗ như chúng ta và Ngài đã chiến thắng. Hãy học cùng Ngài, hãy bám vào Ngài để có sức vượt qua cám dỗ.

Khi biết mình yếu đuối, chúng ta cần chạy trốn những dịp tội; tập nói không với cám dỗ ngay từ đầu. 

Trường hợp thánh Benedicto là một thí dụ điển hình về sự chống trả cám dỗ. 

Để sống cho một mình Thiên Chúa, Benedicto trốn lên miền núi, ẩn mình trong một cái hang, thinh lặng cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Bộ áo dòng là một tấm da cừu, thực phẩm là rễ cây và ít mẩu bánh mì người ta gởi tới trong một cái thúng cột giây thả xuống.

Ma quỷ rất tức giận vì các nhân đức thánh nhân. Chúng dùng nhiều chước cám dỗ để lôi kéo Ngài bỏ sa mạc trở về thế gian. Ngài thường làm dấu thánh giá để xua đuổi các cơn cám dỗ. Một lần kia bị cám dỗ về tình dục, Ngài liền cởi áo và lăn mình vào bụi gai đến chảy máu ra. Từ đó tư tưởng xấu hoàn toàn bị chinh phục và không còn quấy rầy Ngài nữa.

Mặt khác, chúng ta cần biết biện phân nhằm nhận ra đâu là cạm bẫy của ma quỉ để tránh né. Dối trá, chia rẽ, lừa gạt, thù hận… đó là bản chất của ma quỉ hay những kẻ thuộc về nó.

Truyện kể rằng có một con bọ cạp và con ếch gặp nhau ở bờ suối. Bọ cạp nhờ ếch cõng trên lưng để băng qua suối. 

Ếch hỏi: ‘Làm sao bảo đảm rằng anh sẽ không chích tôi? 


Bọ cạp đáp: ‘Bởi vì nếu tao chích mày, tao cũng sẽ chết chìm’. 

Nghe xuôi tai, ếch cõng bọ cạp qua suối, nhưng đến giữa dòng thì bọ cạp chích ếch. Ếch bị tê liệt, không bơi được và cả hai bắt đầu chìm.


Biết cả hai sắp chết chìm, nhưng chỉ còn chút thời gian, ếch hỏi: ‘Tại sao ông chích tôi’?

Bọ cạp đáp: ‘đó là bản chất của tao’.

Con ếch bị chết vì nghe lời bọ cạp, mặc dầu nó biết trước bọ cạp là độc. 

Vậy ai là kẻ khôn ngoan thì đừng chết vì những lời đường mật của thế gian.

About Author

Advertisement

Đăng nhận xét

 
Top