frphamlong frphamlong Author
Title: Tân Phúc âm hóa là gì?
Author: frphamlong
Rating 5 of 5 Des:
GPVO - Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giải thích ý nghĩa của từ "tân Phúc âm hóa" trong bài giảng thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm t...
GPVO - Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giải thích ý nghĩa của từ "tân Phúc âm hóa" trong bài giảng thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần thứ 7 của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 của giáo phận Vinh chiều ngày 19/10/2012. Sau đây là nguyên văn bài giảng đó. Tựa đề là của ban biên tập.


Một sự trùng hợp rất ý nghĩa khi lần tĩnh tâm năm nay của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 đã diễn ra trong bầu khí của Năm Đức Tin và vào thời điểm Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang nhóm họp tại Roma về đề tài “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Có thể nói đây là một trong những chủ đề quan trọng được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II khai triển trong các văn kiện, cũng như trong các chuyến viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu Latinh, châu Phi và châu Âu.

Nhưng tân Phúc âhóa” là gì? Đâu là tầm quan trọng của nó trong Giáo Hội hôm nay? 

Về phương diện lịch sử, diễn ngữ “Tân Phúc Âm Hoá” có một xuất xứ khá rõ rệt. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ba Lan lần I, Đức Gioan Phaolô II đã dành ba ngày cuối cùng cho Tổng giáo phận Cracovie, nơi Ngài từng là Tổng Giám mục trước khi được bầu đảm nhận nhiệm vụ kế vị thánh Phêrô. Sáng Thứ bảy, ngày 9 tháng 6 năm 1979, ngài đến Mogila, một tu viện Xitô cổ kính, được xây dựng từ thế kỷ XIII, để gặp gỡ giới công nhân. Tu viện tọa lạc trên một sườn đồi, đối diện với Nowa Huta, một thành phố thợ thuyền Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Ba Lan, nơi sinh sống của khoảng 200.000 dân, đa số là công nhân trẻ.

Đối diện với thực trạng bi thảm của dân tộc Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu phải trở về với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong bài giảng lịch sử hôm đó cũng như một số bài diễn văn sau đó, hai từ “tân” và “tái phúc âm hoá” được sử dụng đồng thời và lẫn lộn. Một số ý kiến phản hồi đề nghị phân biệt “tân phúc-âm-hóa” với “tái phúc-âm-hóa”, bởi vì hạn từ “tái phúc-âm hóa” sẽ gây hiểu lầm là công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây thiếu sót, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải xóa bàn làm lại tất cả và từ đầu. Có lẽ đề nghị này đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp thu. Điều chắc chắn là chỉ ít lâu sau, trong các văn kiện chính thức người ta chỉ thấy diễn ngữ “tân phúc âm hoá”.

Đặc biệt nhất, ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác quyết  rõ rệt quan niệm “tân phúc âm hoá” nói trên: “Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về đề tài “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” đã lấy lại nguyên văn định nghĩa trên. Ý nghĩa chữ “tân” hay “mới” ở đây không đề cập đến bản chất và nội dung của Tin Mừng, vì Lời Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn bất biến, vẫn y nguyên, thiên thu vạn đại. Cái mới nói đây đúng hơn ám chỉ lòng nhiệt thành của các tín hữu trong hăng say dấn thân sống và loan báo Lời Chúa, cũng như trong việc sử dụng phương pháp, ngôn ngữ và cách thế diễn tả Tin Mừng thích hợp với nhu cầu thời đại và con người hôm nay.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhận định sâu sắc những thách đố mà thời đại đa văn hóa, đa phức tôn giáo và toàn cầu hóa đang đặt ra cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nêu rõ sự phức tạp, chập chùng ánh sáng và bóng tối mà những biến chuyển thời đại cống hiến cho chúng ta: “Xét về một mặt, nhân loại đã được hưởng những lợi ích không thể phủ nhận từ những thay đổi này, và Hội Thánh cũng đã rút ra được từ đó những kích thích để làm chứng cho niềm hy vọng mình ấp ủ; nhưng mặt khác, đã có một sự mất mát đáng lo ngại trong ý thức về sự linh thánh, nó thậm chí chất vấn cả những nền tảng mà có thời được coi là không thể lay chuyển, như niềm tin vào Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng, mạc khải về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, và một sự hiểu biết chung về các kinh nghiệm cơ bản của con người: đó là sự sinh ra, sự chết, đời sống gia đình, và sự qui chiếu về một luật đạo đức tự nhiên”.

Đối diện với những thay đổi sâu rộng về khoa học kỹ thuật, xã hội, văn hoá..., các cộng đoàn Kitô giáo một lần nữa cần hăng hái đứng lên, can đảm dấn thân, cố gắng tìm ra thời giờ, nghị lực, phương tiện, ngôn ngữ và kinh nghiệm tôn giáo mới ngõ hầu đem Chúa đến cho con người hôm nay. Trách nhiệm này giả thiết khả năng canh tân kinh nghiệm đức tin của các cộng đồng Kitô giáo. Nói rõ hơn, để có thể loan báo Tin Mừng cho người khác, trước hết chúng ta phải Tin Mừng hóa bản thân, gia đình và xã hội.

Về lại Linh địa Trại Gáo trong Năm Đức tin của Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi nghiêm chỉnh nhìn lại bản thân, kiểm điểm lại cuộc đời, kiểm tra lại cách thức “giữ đạo” của chúng ta. Phải chăng cho đến nay chúng ta chỉ giữ đạo theo thói quen, nặng hình thức, vụ luật, thiếu gương lành, thiếu tình bác ái yêu thương. Vì vậy, cách “giữ đạo” của chúng ta chưa có tính thuyết phục và sức lan tỏa cho người khác.

Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định sâu sắc: “Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”.

Trong Năm Đức Tin này, Hội đồng Giám mục thiết tha kêu gọi “mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá  của dân tộc”.

Đây là một cơ hội hồng phúc giúp chúng ý thức rằng một đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vun đắp giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và nhất là gia đình vững mạnh. Thật vậy, “trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”.

Nếu sứ điệp trên được gửi đến tất cả các gia đình Công giáo, thì chắc chắn nó sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt cho Gia đình Thánh Tâm nói riêng. Thiết tưởng dịp tĩnh tâm này là cơ hội tốt để các thành viên Gia đình Thánh Tâm nhìn lại mối tương quan của mình đối với Chúa và với anh chị em đồng loại. Chúng ta chỉ khư khư giữ bằng được một số lễ nghi tập tục hay cố gắng sống và loan báo Tin Mừng? Ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống tốt và gương mẫu hơn người khác, thì phải chăng mỗi thành viên của Gia đình Thánh Tâm có nhiệm vụ sống tốt hơn nữa. Chính vì vậy, không thể chấp nhận hiện tượng các thành viên xuống cấp, gây gương mù và xáo trộn trong cộng đồng. Hơn ai hết, phải chăng các thành viên Gia đình Thánh Tâm phải hăng say loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, với nhiệt huyết, phương pháp và ngôn ngữ mới?

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Đấng được chúc phúc vì đã tin và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúc lành cho toàn thể giáo phận Vinh, cũng như các thành viên của Gia Đình Thánh Tâm hiện diện cũng như vắng mặt.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

About Author

Advertisement

Đăng nhận xét

 
Top